Những thắc mắc thường gặp về Bệnh Đái Tháo Đường

Thứ năm, 28/04/2016, 04:50
Số người mắc bệnh ĐTĐ ngày một gia tăng tình hình này đặt ra cho người bệnh cũng như gia định bệnh nhân nhiều thách thức trong sinh hoạt hằng ngày, sau đây là một số những thắc mắc thường gặp về bệnh ĐTĐ. Câu 1: Bệnh tiểu đường là người bệnh có mức đường trong máu tăng bất thường đúng hay sai?

    Số người mắc bệnh ĐTĐ ngày một gia tăng tình hình này đặt ra cho người bệnh cũng như gia định bệnh nhân nhiều thách thức trong sinh hoạt hằng ngày, sau đây là một số những thắc mắc thường gặp về bệnh ĐTĐ.

Câu 1: Bệnh tiểu đường là người bệnh có mức đường trong máu tăng bất thường đúng hay sai?

Đúng: Do suy giảm bài tiết insulin của tuyến tụy và/hoặc suy giảm tác động của insulin lên tổ chức đích nên đường không được chuyển hóa sau khi ăn vào nên dẫn tới tăng đường máu.

Câu 2: Tiểu đường bùng phát thành đại dịch thế giới nên nguy cơ truyền nhiễm cao đúng hay sai?

Sai: Bệnh ĐTĐ là một bệnh không lây nhiễm, là kết quả của sự tác động qua lại giữa yếu tố gen và môi trường: ăn uống dư thừa năng lượng, ít vận động… Vì vậy bệnh ĐTĐ không có khả năng lây nhiễm truyền bệnh.

Câu 3: Phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ, có nhiều nguy cơ phát triển bệnh sau này đúng hay sai?

Đúng: ĐTĐ thai kỳ là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh ĐTĐ typ 2 sau này. Do vậy, người phụ nữ có tiền sử ĐTĐ thai nghén cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh và thường xuyên kiểm tra sức khỏe.

Câu 4: Không có nguy cơ bị bệnh tiểu đường vì gia đình không có ai bị mắc bệnh này đúng hay sai?

Sai: Bệnh ĐTĐ là hậu quả của sự tương tác giữa yếu tố gen và môi trường sống: thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động … do vậy, bố mẹ không bị ĐTĐ người con vẫn hoàn toàn có nguy cơ bị bệnh, đặc biệt khi người con quá cân, béo phì.

Câu 5: Bố hoặc mẹ hoặc cả bố và mẹ bị mắc bệnh tiểu đường nên bạn chẳng phải kiêng khem hay giữ gìn gì cả nhà đều bị kiểu gì chẳng mắc bệnh?

Sai: Bệnh ĐTĐ là hậu quả của sự tương tác giữa yếu tố gen và môi trường sống: thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động …Nếu bố, mẹ bị ĐTĐ thì  người con đã có nguy cơ bị ĐTĐ. Tuy nhiên, nếu người con thực hiện các biện pháp phòng bệnh thì hoàn toàn có thể phòng tránh được căn bệnh này.

Câu 6: Một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường là do chế độ ăn uống thiếu cân bằng, ăn quá ngọt và lười vận động đúng hay sai?

Đúng: Ăn uống thiếu cân bằng, dư thừa năng lượng cùng với lối sống tĩnh tại ít vận động  là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh đái tháo đường.

Câu 7:  Thường xuyên bị stress  ( Trạng thái căng thẳng thần kinh ) dễ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?

Sai: Stress không phải là thủ phạm dẫn tới tiểu đường. Tuy nhiên, với người bệnh, thường xuyên stress có thể làm bệnh nặng hơn vì làm tăng mức đường huyết.

Câu 8: Không có những triệu chứng của bệnh tiểu đường nên không thể mắc bệnh đúng hay sai?

Sai: Bệnh ĐTĐ được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh âm thầm tiến triển trong cơ thể người bệnh. Người bệnh chỉ có thể phát hiện ngẫu nhiên khi đi khám sức khỏe hoặc do bị những biến chứng của bệnh như: đục thủy tinh thể, suy thận, rối loạn cảm giác bàn chân…

Câu 9: Khát và uống nhiều nước trong ngày (4lít  nước/ ngày) chắc chắn mắc bệnh tiểu đường đúng hay sai?

Sai: Nhiều bệnh khác người bệnh cũng có triệu chứng uống nhiều, khát nước, tiểu nhiều như bệnh đái tháo nhạt, rối loạn tâm thần… Do vậy, để chẩn đoán bệnh chắc chắn, người bệnh cần đến khám bệnh tại cơ sở y tế.

Câu 10: Không được uống nhiều rượu khi mắc bệnh đúng hay sai?

Đúng: Uống rượu làm ức chế quá trình dự trữ đường của gan nên người bệnh có nguy cơ bị hạ đường huyết. Mặt khác, rượu tương tác với các thuốc hạ đường huyết nên cũng làm tăng nguy cơ hạ đường huyết ở người bệnh.

Câu 11: Vận động cơ thể nhiều có thể làm bệnh nặng hơn ?

Sai: Tập luyện ngoài tác dụng duy trì sức mạnh, sự dẻo dai của cơ thể còn có tác dụng hạ đường huyết, tiêu hao năng lượng dư thừa của cơ thể và điều hòa huyết áp, tim mạch. Người bệnh cần tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Câu 12: Người bệnh tiểu đường typ2 không thể đi chơi hay đi du lịch nhiều đúng hay sai?

Sai: Bệnh nhân vẫn có thể đi đi chơi, đi xem phim, gặp bạn bè, người thân, con cái và tiếp tục những sinh hoạt bình thường khác.

Tuy nhiên, nếu bạn đi du lịch xa, cần có sự tư vấn của bác sĩ để điều chỉnh thuốc và chế độ ăn uống cho phù hợp.

Câu 13: Bị bệnh tiểu đường đã nhiểu năm nên bạn biết mình phải làm những gì và không cần sự giúp đỡ của bác sĩ?

Sai: Dù rằng bạn đã nghiên cứu nhiều về bệnh của mình nhưng cũng không thể chủ quan do bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm (như mù lòa, suy thận, tai biến mạch máu não…). Do vậy, người bệnh cần đến khám định kỳ bác sỹ để phát hiện và chữa trị kịp thời các biến chứng.

Câu 14: Chủ yếu bệnh nhân thuộc nhớm tiểu đường typ2 đúng hay sai?

Đúng: 85-90% bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2. Tiểu đường tuýp 1 phần lớn xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi (dưới 30 tuổi), ít gặp hơn.

Câu 15: Những người dễ mắc bệnh tiểu đường là những người có chỉ số khối cơ thể cao, ít hoạt động thể lực, tiền sử gia đình liên quan tới bênh đái tháo đường đúng hay sai?

Đúng: Theo một số nghiên cứu cho thấy những người có chỉ khối cơ thể (BMI) trên 23, vòng eo nam trên 90cm, nữ trên 80 và tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường là những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao.

Câu 16: Những người dễ mắc bệnh đái tháo đường typ2 là những người có nhiều yếu tố nguy cơ và đặc biệt là người mắc hội chứng chuyển hóa đúng hay sai?

Đúng: Những người có các yếu tố nguy cơ như thừa cân, tăng huyết áp vô căn, tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường và mắc các hội chứng chuyển hóa như kháng insulin, tăng huyết áp, béo trung tâm, rối loạn chuyển hóa lipid là những người có nguy cơ mắc đái tháo đường typ2 cao.

Câu 17: Triệu chứng của tiểu đường là chỉ thèm ăn uống đồ ngọt đúng hay sai?

Sai: Một số triệu chứng chính của bệnh tiểu đường: khát nước, tiểu nhiều và gầy sút cân nhanh. Người bệnh mệt mỏi, khát nước nên có thể cảm thấy thèm đồ ngọt. Tuy nhiên, bệnh ĐTĐ typ 2 chủ yếu là tiến triển âm thầm không có triệu chứng rõ ràng, người bênh phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe hoặc do xuất hiện biến chứng của bệnh.

Câu 18: Không có cách để phòng chống bệnh đái tháo đường typ2 đúng hay sai?

Sai: Qua các nghiên cứu cho thấy bệnh đái tháo đường typ2 có thể phòng được bằng cách giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, tăng hoạt động thể lực, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

Câu 19: Để điều trị bệnh đái tháo đường typ1 bắt buộc người bệnh phải dùng insulin đúng hay sai?

Đúng: Trong đái tháo đường typ1 có sự thiếu insulin tuyệt đối do tế bào tiết insulin của tuyến tụy bị quá trình tự miễn gây huỷ hoại hoàn toàn. Đái tháo đường typ1 thường sảy ra ở người trẻ tuổi trong điều trị bắt buộc phải dùng insulin.

Câu 20: Đái tháo đường typ2 còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc vào insulin đúng hay sai?

Sai: ĐTĐ typ 2 là do suy giảm bài tiết insulin của tuyến tụy và/hoặc kháng insulin ở mô đích. Ở người quá cân, béo phì quá trình kháng insulin bước đầu có thể nổi trội hơn. Do tuyến tụy vẫn còn khả năng hoạt động nên người bệnh ĐTĐ typ 2 khi mới bị bệnh có thể điều trị bằng thuốc uống. Do vậy, người ta gọi bệnh ĐTĐ typ 2 là bệnh ĐTĐ không phụ thuộc insulin.

Câu 21: Do bệnh đái tháo đường có các triệu chứng dễ nhận biết nên có thể tự chuẩn đoán bệnh đái tháo đường thông qua các triệu chứng đọc trên sách báo và tự mua thuốc điều trị đúng hay sai?

Sai: Không nên  tự chẩn đoán bệnh (như đi tiểu xem có kiến bu) và tự ý dùng thuốc theo lời mách bảo hoặc theo thông tin đọc trong sách báo. Chỉ đi khám bệnh và được cho làm xét nghiệm máu mới chẩn đoán đúng bệnh và phải dùng đúng thuốc mà bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Không tự ý dùng thuốc theo kiểu mới chớm nghi ngờ là vội mua thuốc trị đái tháo đường về tự chữa.

Câu 22:  Nguyên nhân chính dẫn đến các biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường là do không hiểu biết đầy đủ về bệnh, không tuân thủ chỉ định điều trị của thầy thuốc đúng hay sai?

Đúng: Các nguyên nhân dẫn đến  biến chứng cấp tính như người bệnh không uống thuốc đầy đủ, thực hiện sai chế độ ăn uống, không từ bỏ được những thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc, tự ý thay đổi chế độ điều trị.

Câu 23: Bệnh tiểu đường khi ăn uống sinh hoạt chung sẽ bị lây đúng hay sai?

Sai: Bệnh tiểu đường không lây vì bệnh tiểu đường không phải là bệnh truyền nhiễm.

Câu 24: Bệnh tiểu đường có thể chữa khỏi hoàn toàn đúng hay sai?

Sai: Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính trên thế giới chưa có phương pháp nào chữa khỏi tận gốc chỉ có thể điều trị hạn chế và ngăn chặn biến chứng.

Câu 25: Thử đường huyết vào bất kỳ thời gian nào muốn đều được đúng hay sai?

Sai: Khi thử đường huyết muốn cho kết quả chính xác nên thử trước bữa ăn và  2 giờ sau khi ăn, hoặc trước khi đi ngủ.

Câu 26: Phụ nữ mang thai bị bệnh tiểu đường cần phải giảm cân đúng hay sai?

Sai: Ai cũng rõ phụ nữ mang thai phải được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, người phụ nữ mắc tiểu đường khi mang thai không cần giảm cân nhưng tránh tăng cân quá nhiều, thai phụ cần ăn uống hợp lý nhưng đừng tăng hơn 1kg/tháng trong 6 tháng đầu, đừng tăng hơn 500g mỗi tuần trong 3 tháng cuối. Thai phụ không nên ăn nhiều đường.

Câu 27: Bà bầu cần kiểm tra đường huyết thường xuyên đúng hay sai?

Đúng: Đái tháo đường ở phụ nữ đang mang thai rất dễ có những biến chứng thai sản, sức khoẻ của người mẹ cũng bị đe dọa trước những biến chứng đái tháo đường vì vậy cần phải kiểm tra đường huyết thường xuyên nhằm giữ lượng đường ổn đinh tránh các biến chứng ảnh hưởng tới thai nhi.

Câu 28: Áp dụng chế độ ăn kiêng hợp lý có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường đúng hay sai?

Sai: Bệnh ĐTĐ là bệnh mãn tính không chữa khỏi được. Tuy nhiên, việc áp dụng chế độ ăn dinh dưỡng và luyện tập hợp lý giúp nâng cao hiệu quả điều trị. Người bệnh dễ kiểm soát đường huyết và các yếu tố nguy cơ tim mạch như: thừa cân, huyết áp, rối loạn mỡ máu.

Câu 29: Người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn loại trái cây nhiều đường đúng hay sai?

Đúng:  Người bệnh ĐTĐ nên hạn chế hoa quả ngọt chứa nhiều đường vì những hoa quả này  chứa lượng đường nhiều và thường có chỉ số tăng đường huyết cao không tốt cho người bệnh.

Người mắc bênh tiểu đường nên chọn loại trái cây có nhiều chất xơ, ít ngọt, có chỉ số tăng đường huyết thấp.

Câu 30: Mắc bệnh tiểu đường không nên ăn trứng thường xuyên đúng hay sai?

Đúng: Bệnh nhân ĐTĐ đang có rối loạn chuyển hóa lipid, đặc biệt thể tăng cholesterol máu thì nên hạn chế ăn trứng vì lòng đỏ trứng chưa nhiều cholesterol. Đây là chất gây xơ vữa mạch máu mạnh.

Câu 31: Một phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh khi mang thai vẫn có khả năng mắc bệnh tiểu đường. Đúng hay sai?

Đúng: Khi mang thai, các hooc mon của nhau thai tiết ra làm tăng kháng insulin nên có thể làm tăng đường huyết của người mẹ. Sau khi sinh con, người mẹ cần đến kiểm tra lại đường huyết. Người phụ nữ có tiền sử ĐTĐ thai kỳ có nguy cơ cao bị ĐTĐ typ 2 sau này.

Câu 32: Bệnh nhân tiểu đường typ2 không nên uống nhiều cafein đúng hay sai?

Đúng: Người bênh ĐTĐ vẫn có thể uống cafe giúp tỉnh táo trong làm việc nhưng không nên uống nhiều vì uống nhiều sẽ gây kích thích, mất ngủ không tốt cho người bệnh, đặc biệt người bệnh ĐTĐ có biến chứng tim mạch.

Câu 33: Đái tháo đường typ2 là giai đoạn sau của đái tháo đường typ1 đúng hay sai?

Sai: Đây là 2 thể bệnh ĐTĐ khác nhau. ĐTĐ type 1 do quá trình miễn dịch phá hủy tuyến tụy làm tụy không còn tiết insulin nữa , còn ĐTĐ type 2 là do quá trình kháng insulin và/hoặc kết hợp với suy giảm bài tiết insulin của tuyến tụy. ĐTĐ typ 1 bắt buộc điều trị bằng insulin còn ĐTĐ typ 2 điều trị bằng thuốc uống và insulin.

Câu 34:  Không được hút thuốc lá nhiều khi mắc ĐTĐ đúng hay sai?

Đúng: Thuốc lá làm tăng quá trình xơ vữa mạch máu dẫn đến làm tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch.

Câu 35: Chỉ có người trưởng thành mới mắc bệnh tiểu đường typ2 đúng hay sai?

Sai: Trước đây bệnh ĐTĐ typ 2 thường xảy ra ở người lớn tuổi. Nhưng hiện nay với tốc độ đô thị hóa cao, gia tăng tiêu thụ thực phẩm giầu năng lượng và lối sống ít vận động người bệnh ĐTĐ ngày càng trẻ hóa do sự gia tăng tỷ lệ béo phì trẻ em.

Câu 36: Nghiện đồ ăn nhanh có nguy cơ mắc đái tháo đường cao đúng hay sai?

Đúng: Thông tin cho biết, cứ dùng đồ ăn nhanh 1 lần/tuần (1 ngày/tuần) thì nguy cơ này sẽ tăng 20%, còn nếu thích dùng 2 lần/tuần (2 ngày/tuần) thì nguy cơ tăng 50% và nếu như dùng 4-5 lần/tuần (4-5 ngày/tuần) thì bạn sẽ bị nguy cơ 80%.

Câu 37:  Đối với bệnh nhân đái tháo đường biến chứng chỉ sảy ra sau 1 thời gian dài mắc bệnh đúng hay sai?

Sai: Bệnh ĐTĐ typ 2 là bệnh âm thầm tiến triển. Do vậy, nhiều người bệnh khi phát hiện ra bệnh thì đã bị các biến chứng của bệnh như: biến chứng mắt, thận, thần kinh ngoại biên …

Câu 38:  Phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường sẽ không ảnh hưởng gì tới thai nhi đúng hay sai?

Sai: Phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi , có nguy cơ dẫn tới dị dạng thai, Thai to hoặc xảy thai sớm....

Câu 39:  Ăn quá nhiều đường glucose là nguyên nhân chính dẫn tới mắc đái tháo đường đúng hay sai?

Sai: Nguyên nhân cơ bản dẫn tới tiểu đường là giảm hoạt đổng thể lực và chế độ ăn giàu năng lượng , ít chất xơ dẫn tới béo phì.

Câu 40: Sữa chua là loại thực phẩm rất tốt cho hệ tiêu hóa nhưng với những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuyệt đối không được ăn sữa chua đúng  hay sai?

Sai: Sữa chua là đường lactose trong sữa đã được lên men, rất tốt cho hệ tiêu hoá đặc biệt là bổ sung nhiều chất dinh dưỡng từ sữa cho người không dung nạp được đường Lactosa trong sữa. Bệnh nhân tiểu đường cũng có thể sử dụng được sữa chua nhưng nên chọn loại sữa không có bổ sung thêm đường và nên theo dõi chỉ số đường huyết để kiểm tra.

Câu 41: Chế độ ăn đóng vai trò quan trong trong điều trị bệnh tiểu đường đúng hay sai?

Đúng: Chế độ ăn hợp lý là nền tảng cho kế hoạch điều trị tiểu đường. Chế độ ăn hợp lý giúp cho bệnh nhân ổn định mức đường,lipid (mỡ) trong máu, giảm cân đối với người thừa cân, giảm được liều thuốc cần sử dụng, ngăn chặn hoặc làm chậm xuất hiện các biến chứng, kéo dài tuổi thọ bệnh nhân. Chế độ ăn hợp lý còn giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, tự tin trong cuộc sống, ít có cảm giác bị tách biệt trong đời sống xã hội

Câu 42: Khi sử dụng tới insulin là bệnh tiểu đường đã tới giai đoạn nặng đúng hay sai?

Sai: Insulin là chỉ định bắt buộc điều trị ĐTĐ typ 1. ĐTĐ typ 2 khi tụy bị tổn thương nhiều không sản xuất đủ insulin đáp ứng nhu cầu của cơ thể nên phải tiêm insulin. Hiện nay, nhiều quan điểm nên tiêm insulin sớm để bảo vệ tụy ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2. Nặng hay nhẹ là nói về mức độ biến chứng của bệnh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Câu 43: Bị tiểu đường có thể sử dụng thuốc giảm cân đúng hay sai?

Đúng: Trước khi sử dụng bạn nên hỏi ý kiến chỉ dẫn của bác sĩ tránh sử dụng bừa bãi.

Câu 44: Bệnh nhân tiểu đường nên ăn nhiều chất xơ đúng hay sai?

Đúng: Chất xơ rất quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường bởi vì nó làm chậm sự hấp thu đường, hạn chế tăng đường huyết sau ăn, có lợi cho nhu động bình thường của ruột, tăng đào thải cholesterol ra ngoài nên có tác dụng giảm cholesterol trong máu.

Câu 45: Bệnh nhân tiểu đường nên ăn ít mỡ đúng hay sai?

Đúng: Giảm thiểu thu nạp mỡ chính là giảm thiểu năng lượng, ăn uống ít mỡ sẽ có thể giảm béo, hạ thấp cholesterol, cải thiện mỡ máu, hạ thấp nguy cơ bệnh tim mạch cố gắng giảm chất mỡ trong ăn uống là bạn đã giữ cho mình được mạnh khỏe.

Câu 46: Bệnh nhân tiểu đường tuyệt đối không được trích bất kỳ loại vắc – xin nào đúng hay sai?

Sai: Tiêm chủng vắc – xin là rất quan trọng đối với mỗi cá nhân nếu bạn bị tiểu đường thì lại càng quan trọng hơn bởi vì đường huyết cao sẽ làm giảm khả năng kháng khuẩn của cơ thể, nếu bạn bị tiểu đường nên tiêm những loại vắc – xin sau: cảm cúm, viêm phổi, viêm gan A, viêm gan B, sởi, thủy đậu...

Câu 47: Bảo quản  Insulin bắt buột phải để trong tủ lạnh đúng hay sai?

Sai: Insulin sắp dùng chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ phòng bình thường ngăn cách với nhiệt độ và ánh sáng, không nên để insulin trên xe vì trên xe nóng lạnh biến đổi bất thường, insulin chưa sử dụng phải cho trong tủ lạnh nhưng không  được cho vào ngăn đá.

Câu 48: Áp lực công việc ảnh hưởng tới mức tăng đường huyết đúng hay sai?

Đúng: Áp lực công việc (stress) ảnh hưởng không tốt tới điều trị bệnh, làm đường huyết dao động không ổn định. Áp lực công việc cũng ảnh hưởng đến sự tuân thủ điều trị của người bệnh cũng như việc duy trì chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý.

Câu 49: Trầm uất gây ảnh hưởng xấu tới điều trị bệnh tiểu đường đúng hay sai?

Đúng: Trầm uất là hiện tượng suốt ngày bạn cảm thấy chán nản và có một số chứng trạng như thất vọng, vô vọng, mất ngủ, nghĩ đến cái chết...hậu quả nó mang lại vô cùng nghiêm trọng làm cho người bệnh không còn muốn điều trị bệnh làm cho việc điều trị bệnh tiểu đường vô cùng khó khăn.

Câu 50: Tiêm insulin giúp người bệnh kiểm soát đường huyết tốt hơn đúng hay sai?

Đúng: Ở những người bệnh khó kiểm soát đường huyết thì nên tiêm insulin để dễ điều chỉnh đường huyết hơn.

Câu 51: Ăn socola có thể làm tăng đường huyết đúng hay sai?

Đúng: Vì trong socola chưa nhiều đường và lượng dầu mỡ khá lớn chính vì vậy ăn socola sẽ làm đường huyết tăng nhanh.

Câu 52: Đối với phụ nữ mắc bệnh tiểu đường tới kỳ kinh nguyệt cơ thể đòi hỏi lượng insulin nhiều hơn đúng hay sai?

Đúng: Vì khi tới kỳ kinh hormon nữ trong cơ thể tăng cao mà sự tiết ra hormon nữ lại cần một lượng insulin nhất định, cho nên nhu cầu của cơ thể đối với insulin có thể tăng lên.

Câu 53: Bệnh nhân tiểu đường cần đi khám chuyên khoa khi chân có vấn đề đúng hay sai?

Đúng: Đối với bệnh tiểu đường bảo vệ đôi chân là rất quan trọng vì khi bị bệnh tiểu đường bạn rất dễ tổn thương thần kinh và trở ngại về tuần hoàn máu bất cứ vết thương nào ở chân đều rất khó lành, một bác sĩ chuyên về bệnh lý bàn chân sẽ giúp bạn chăm sóc đôi chân thật tốt.

Câu 54: Bệnh nhân tiểu đường nên ngâm chân thường xuyên đúng hay sai?

Sai: Không cần thiết phải ngân chân, khi ngâm chân lâu sẽ làm da nứt nẻ khiến vi khuẩn dễ thâm nhập, gây viêm nhiễm.

Câu 55: Bệnh nhân tiểu đường nên chú ý tới vấn đề cắt móng chân đúng hay sai?

Đúng: Vì những điều tưởng như là nhỏ nhưng lại rất quan trọng vì nếu như bạn có vấn đề về biến chứng thương tổn thần kinh hoặc tuần hoàn máu kém mà khi bạn cắt móng chân bị ăn vào thịt thì rất dễ gây viêm nhiễm.

Câu 56: Bệnh gút gây ảnh hưởng xấu tới bệnh tiểu đường đúng hay sai?

Đúng: Bệnh gút là bệnh rối loạn chuyển hóa. Bệnh gút tái phát nhiều lần sẽ gây tổn thương khớp, làm cho khớp biến dạng dẫn tới áp lực cao ở chân đồng thời dẫn tới phát sinh chai chân và loét. Người bị bệnh gút dễ mắc sỏi thận, tổn thương thận.

Câu 57: Bệnh nhân tiểu đường nên ghi chép lại việc ăn uống của mình đúng hay sai?

Đúng: Việc ghi chép chế độ ăn uống là rất cần thiết đó là những thủ thuật giảm béo cũng như theo dõi đường huyết của bệnh nhân khi ăn như nào để đường huyết ổn định.

Câu 58: Bệnh nhân tiểu đường có sức đề kháng kém hơn người bình thường đúng hay sai?

Đúng: Người mắc bệnh tiểu đường dễ nhiễm bệnh hơn sơ với người bình thường. Đường trong máu cao sẽ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể nên khi nhiễm bệnh sẽ khó điều trị.

Câu 59 : Biến chứng ở chân của bệnh tiểu đường tương đối phổ biến đúng hay sai?

Đúng: Những người mắc bệnh tiểu đường trên 10 năm có hơn 1 nửa là bị thương tổn thần kinh với các mức độ khác nhau khi đã bị tổn thương thần kinh thì 1 vết loét nhỏ ở chân cũng rất nguy hiểm, theo thống kê có 15% - 25% số bệnh nhân tiểu đường ít nhất có một lần bị loét chân, nếu làm tốt thì 70% là chữa khỏi còn lại 10% là phải cắt chân.

Câu 60: Bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều bệnh khác đúng hay sai?

Đúng: Tiểu đường gây ra rất nhiều bệnh lý trên các cơ quan trong cơ thể, hay còn gọi là biến chứng tiểu đường. Các biến chứng thường gặp như: đột quỵ, giảm thị lực, biến chứng thần kinh, nhồi máu cơ tim, mỡ máu cao, suy giảm chức năng sinh lý. Biến chứng tiểu đường là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở người bệnh.

Câu 61: Người mắc bệnh tiểu đường ít bị sâu răng đúng hay sai?

Sai: Ngược lại, người bị tiểu đường có nguy cơ bị bệnh sâu răng “thăm hỏi” cao hơn những người bình thường nếu như họ không có một chế độ ăn uống hợp lý. Thủ phạm tạo cơ hội cho bệnh sâu răng phát triển chính là sự tập trung quá nhiều đường trong nước bọt.

Vì thế, vệ sinh răng miệng ở bệnh nhân tiểu đường cần được tuân thủ nghiêm ngặt: đánh răng sau khi ăn và kiểm tra răng miệng định kì (ít nhất 2 lần/năm)

Câu 62: Bệnh nhân tiểu đường cần vận động thường xuyên đúng hay sai?

Đúng: vận động thường xuyên giúp người bệnh ĐTĐ tiêu hao năng lượng du thừa, tăng lưu lượng tuần hoàn… nên có tác dụng hạ đường huyết, giảm cân (đối với người thừa cân) và kiểm soát huyết áp tốt hơn. Bên cạnh đó việc vận động thường xuyên còn giúp cơ thể nhanh nhẹn, khỏe mạnh.

Câu 63: Người bệnh tiểu đường khó liền vết thương đúng hay sai?

Đúng:. Quá trình liền vết thương ở bệnh nhân ĐTĐ thường gặp khó khăn do đường huyết cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Do vậy, người bệnh ĐTĐ cần kiểm soát tốt đường huyết khi phấu thuật hoặc khi điều trị chấn thương.

Câu 64: Insulin làm tăng cân đúng hay sai?

Sai: insulin không mang đến calo cũng như không chịu trách nhiệm trong việc tăng cân. Mặc dù hàm lượng đường trong máu ở người bị tiểu đường cao (trên 1,8g/l) nhưng lượng đường ấy lại nhanh chóng bị thải ra ngoài qua nước tiểu và năng lượng của từng ấy đường cũng bị mất đi. Khi người bệnh được kê đơn tiêm Insulin, đường huyết được cân bằng. Cơ thể giảm thiểu sự mất đường nên năng lượng do đường cung cấp được giữ lại. Mặt khác, tiêm insulin người bệnh có nguy cơ cao bị hạ đường huyết nên người bệnh thường ăn bữa phụ. Đấy chính là những lý do gây tăng cân khi người đái tháo đường được điều trị với Insulin, chứ không phải Insulin làm tăng cân

Câu 65: Biến chứng của bệnh tiểu đường có thể gây mù đúng hay sai?

Đúng: Những mạch máu nhỏ tại võng mạc dễ bị nghẽn, vỡ trong lòng mắt gây ra tổn thương dẫn đến các bệnh lý về võng mạc. Mặt khác, tiểu đường cũng có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, gây mù loà.

 

Giá bán chỉ : 0 đ

Sản phẩm nổi bật




Vòng giám sát cách ly Covid 19

Đeo vòng giám sát cách ly giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi Covid 19

Sức khỏe




Những thắc mắc thường gặp về Bệnh Đái Tháo Đường

Số người mắc bệnh ĐTĐ ngày một gia tăng tình hình này đặt ra cho người bệnh cũng như gia định bệnh nhân nhiều thách thức trong sinh hoạt hằng ngày, sau đây là một số những thắc mắc thường gặp về bệnh ĐTĐ. Câu 1: Bệnh tiểu đường là người bệnh có mức đường trong máu tăng bất thường đúng hay sai?

Báo chí về gạo lật




MẸ BẦU ĂN GẠO LẬT NẢY MẦM PHÒNG NGỪA THAI LƯU

Tại Việt Nam, phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường nhiều hơn nam giới (chiếm 2/3 trường hợp mắc bệnh). Đáng lo lắng là phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường tăng nguy cơ nhiễm khuẩn âm đạo và biến chứng trong thời gian mang thai. Bệnh đái tháo đường khi có thai chiếm tỷ lệ 2-5% số người có thai và phần lớn sẽ biến mất sau khi đẻ, nhưng một khi đã mắc bệnh đái tháo đường khi có thai sẽ gia tăng nguy cơ phát triển thành bệnh tiểu đường tuýp 2 sau này.

Sản phẩm mới




Hội thảo về bệnh đái tháo đường tại tỉnh Thái Nguyên ngày 18/07/2015

Tiếp nối những hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “ Hội thảo Chăm sóc, ngăn ngừa, đẩy lùi đái tháo đường Việt Nam” do Tập đoàn viễn thông quân đội – Chi nhánh Viettel Thái Nguyên phối hợp với Bệnh Viện đa khoa Thai Nguyên và Công ty TNHH thiết bị y tế Yên Minh tổ chức “ Hội thảo về bệnh tiểu đường và dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa” tại Hội trường của Bệnh viên đa khoa TW Thái Nguyên –Tp. Thái Nguyên – Tỉnh Thái Nguyên.

Quảng cáo gạo